Đăng nhập
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024 TimKiem
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
NguoiTruyCapTổng số người truy cập:
9970121
HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Báo cáo kết quả giải quyết, trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đặc biệt quan tâm gửi đến kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI
7/11/2018 8:19:10 PM     
Sáng ngày 11/7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021; thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Nga trình bày trước HĐND tỉnh Báo cáo kết quả giải quyết, trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đặc biệt quan tâm gửi đến kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI.
Báo cáo kết quả giải quyết, trả lời  một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đặc biệt quan tâm gửi đến kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI
Đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo tại kỳ họp.

Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI đã có tổng cộng 115 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND tỉnh được cử tri gửi đến gồm 13 kiến nghị đã giải quyết; 14 kiến nghị đang giải quyết; 88 kiến nghị đã được thông tin, giải trình để cử tri nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.

Trong đó, một số vấn đề chung nhất mà cử tri đặc biệt quan tâm được UBND tỉnh trả lời, cụ thể như sau:

1. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp bình ổn giá các sản phẩm nông nghiệp như mỳ, cao su... vì hiện nay giá cả thấp, bấp bênh.

Hiện nay, giá cả nông sản chưa ổn định theo quy luật cung cầu thị trường; do đó, để góp phần ổn định giá cả các mặt hàng nông sản, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 phê duyệt Kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo ổn định đầu ra cho nông sản trên địa bàn tỉnh, trước mắt tập trung một số sản phẩm nông nghiệp cụ thể như cà phê, sắn, rau củ quả,… và tiến tới nhân rộng ra các sản phẩm nông nghiệp khác; đồng thời, đã giao các huyện, thành phố chỉ đạo đánh giá mô hình liên kết các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua để có kế hoạch riêng của huyện triển khai liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, hiệu quả hơn.

2. Đề nghị UBND tỉnh sớm có chế đặc thù hỗ trợ giống Sâm Ngọc Linh cho Nhân dân để phát triển, nhân rộng và bảo vệ nguồn giống Sâm Ngọc Linh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2018 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum; theo đó, UBND tỉnh đang hoàn thiện Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình HĐND tỉnh thông qua để làm cơ sở triển khai thực hiện; trong đó, có một số chính sách về hỗ trợ, đầu tư và phát triển Sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã có Thông báo số 116/TB-UBND ngày 24/5/2017 chỉ đạo Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum xây dựng 02 vườn ươm giống Sâm Ngọc Linh để cung cấp giống Sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, đồng thời công khai đầy đủ thông tin và giá bán giống Sâm Ngọc Linh cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tham gia nuôi trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh biết; tổ chức liên kết với hộ gia đình, cộng đồng dân cư để phát triển Sâm Ngọc Linh và quản lý nghiêm ngặt ngay từ khâu giống đến công tác tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn giống của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang tập trung cho công tác xây dựng vườn ươm, chưa có cây giống cung ứng ra thị trường để hỗ trợ cho nhân dân.

3. Đề nghị có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư tại Kon Tum để tạo công ăn việc làm cho lao động tại chỗ

Thời gian qua, để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh, UBND tỉnh đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến với quy mô lớn; thường xuyên rà soát, ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh; ban hành các Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và minh bạch, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng... của Trung ương cho doanh nghiệp ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, Tỉnh đã đề ra một số chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao trên địa bàn tỉnh; ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Quy chế thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum, Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã thu hút được 23 dự án đầu tư với tổng vốn 6.708,3 tỷ đồng và có 151 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập mới với tổng số vốn điều lệ là 292 tỷ đồng. Một số dự án tiềm năng như: Đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh) dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum; Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 của Tập đoàn điện lực Việt Nam; Dự án mở rộng Nông trại hữu cơ - Hợp phần trang trại chăn nuôi công nghệ cao - Liên doanh Công ty TNHH Bellest và Công ty TNHH Thực phẩm CJ Vina…

Ngoài ra, hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020 định hướng đến 2030 với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển và chế biến dược liệu.

4. Về các kiến nghị điều chỉnh giá dịch vụ, thuế cho phù hợp

4.1. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh giảm giá lắp đặt sử dụng nước máy vì hiện nay còn quá cao (cụ thể như 6.870.000 đồng ở Tổ 4, đường Trương Hán Siêu; 5.100.000 đồng ở đường Đặng Thái Thuyến).

Chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước cho khách hàng được tính trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành, đồng thời đơn giá được áp theo thông báo giá vật liệu xây dựng của liên Sở Tài chính và Xây dựng tùy theo thời điểm lập chi phí và được thỏa thuận thống nhất với khách hàng trên cơ sở ký kết hợp đồng giữa hai bên từ khâu khảo sát, thiết kế, lập dự toán đến thi công; mặt khác, hiện nay chi phí lắp đặt chưa được tính vào giá thành nước máy, nên mọi chi phí lắp đặt đấu nối cho khách hàng đều được tính toán đúng và đủ tùy theo vị trí xa hoặc gần nên có chi phí lắp đặt khác nhau.

UBND tỉnh đã có Văn bản số 818/UBND-HTKT ngày 29/3/2017 chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum khẩn trương phối hợp với UBND thành phố, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng giá thành nước máy có tính tới chi phí đấu nối với khách hàng để giảm chi phí lắp đặt hệ thống cấp nước theo kiến nghị trên của cử tri, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển  khai trong năm 2017. Hiện nay, Công ty đang xây dựng phương án giá nước máy có tính đến chi phí đấu nối để trình các cấp thẩm quyền, thẩm định và phê duyệt trong thời gian sớm nhất (hoàn thành Quý II/2018).

Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Kon Tum khẩn trương rà soát xây dựng đơn giá lắp đặt hệ thống cấp nước cho các hộ dân trên địa bàn thành phố Kon Tum trình Sở Xây dựng, Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong năm 2018.

4.2. Hiện nay, việc đầu tư hệ thống mương rãnh xả nước thải chưa đồng bộ, có nơi chưa có nhưng vẫn thu tiền phí xả thải nước bảo vệ môi trường. Đề nghị UBND tỉnh xem xét lại cho phù hợp.

Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, trong đó quy định cụ thể đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường là nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, trừ một số trường hợp được miễn phí. Nước thải sinh hoạt là nước thải từ: (i) Hộ gia đình; (ii) Cơ sở: rửa ô tô, rửa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa xe máy; (iii) Các tổ chức, cá nhân và đối tượng khác có nước thải không được quy định tại khoản 2 Điều này… Tại khoản 3, điều 9 quy định: Nguồn thu phí sau khi trừ phần được trích để lại cho đơn vị thu phí, số thu còn lại nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác bảo vệ môi trường; bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải; tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải.

Theo đó, việc xác định mức thu phí, Nghị định Chính phủ quy định: căn cứ giá bán của 01m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng; đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình quy định tại khoản 3 và 4 Điều 5 Nghị định 154/2016/NĐ-CP) thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 01m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.

Như vậy, Chính phủ chỉ quy định đối tượng, việc xác định mức thu phí, không quy định việc xả nước thải ra môi trường phụ thuộc vào việc đầu tư hệ thống mương rãnh xả thải; hơn nữa trong thực tế các hộ gia đình đều có thải nước thải sinh hoạt ra môi trường. Vì vậy, việc địa phương triển khai thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt để chi cho các nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ nêu trên là phù hợp với quy định của Trung ương. Bên cạnh đó, nội dung này đã được UBND tỉnh giao UBND thành phố chủ trì trả lời kiến nghị của cử tri tại Công văn số 221/UBND-TH ngày 23/01/2018. Đề nghị UBND thành phố Kon Tum rà soát, kiểm tra, trả lời kiến nghị của cử tri cho phù hợp với quy định hiện hành; đồng thời, cân đối nguồn ngân sách của địa phương để có giải pháp đầu tư hệ thống thoát nước thải nhằm bảo vệ môi trường và cảnh quang đô thị của thành phố.

4.3. Hằng năm, cơ quan thuế đều tăng thuế đối với các hộ kinh doanh dịch vụ cũng như sản xuất gạch, trong khi doanh số bán hàng cũng như giá các mặt hàng cũng không tăng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành thuế xem xét, thu thuế cho phù hợp với hàng hóa sản xuất.

Căn cứ Điều 2, Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; Quyết định 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục Thuế về việc ban hành quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh; theo đó, hàng năm căn cứ vào hồ sơ khai thuế của cá nhân kinh doanh (CNKD) nộp thuế khoán; dữ liệu quản lý thuế của Cơ quan Thuế; kết quả kiểm tra, khảo sát doanh thu cá nhân kinh doanh; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế, ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn Thuế (HĐTVT)...Chi cục Thuế thực hiện: Thông báo dự kiến doanh thu, mức thuế khoán và công khai thông tin lần 1; tiếp nhận ý kiến phản hồi về doanh thu, mức thuế khoán phải nộp của các CNKD. Sau khi tiếp nhận các ý kiến của các CNKD; thực hiện tham vấn ý kiến của HĐTVT; Chi cục Thuế tổ chức họp duyệt và niêm yết công khai sổ Bộ thuế khoán lần 2.

Như vậy về nguyên tắc số liệu lập bộ thuế khoán được xây dựng trên cơ sở: mức doanh thu do cá nhân tự kê khai; dữ liệu quản lý thuế của Cơ quan Thuế; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế; ý kiến tham vấn của HĐTVT… Hằng năm, Cơ quan Thuế đã triễn khai thực hiện việc lập bộ thuế khoán đúng theo quy định, qua lập bộ đều có phát sinh trường hợp tăng, giảm, hoặc giữ nguyên với mức thuế phải nộp so với năm trước.

5. Đề nghị làm rõ thời hạn hiệu lực của quy hoạch; về xây dựng công trình, nhà ở trong vùng quy hoạch.

 Khoản 11, Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định thời hạn hiệu lực của quy hoạch đô thị là khoảng thời gian được tính từ khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đến khi có quyết định điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch.

Trường hợp người dân có nhu cầu xây dựng công trình, nhà ở trong giai đoạn quy hoạch chưa được thực hiện, có thể xin cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 11/01/2016 của UBND tỉnh.

Quá trình quản lý sử dụng đất, xây dựng nhà ở, trường hợp người dân có khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đề nghị liên hệ với phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum để được hướng dẫn.

6. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện, nếu chưa trả hết số tiền vay thì không được vay tiếp. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chuyển sang cho vay để giải quyết việc làm là phù hợp.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian vay vốn theo Hợp đồng tín dụng (Khế ước nhận nợ) với NHCSXH, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định thì tiếp tục được vay bổ sung, nhưng tổng các lần vay vốn không vượt mức cho vay tối đa của chương trình cho vay đối với hộ nghèo hoặc chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo từng thời kỳ (Tính đến hết tháng 5/2018, mức cho vay tối đa của chương trình cho vay đối với hộ nghèo và chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo là 50 triệu đồng/hộ. Vừa qua, cử tri kiến nghị tăng mức cho vay hộ nghèo từ 50 lên 100 triệu đồng/hộ. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và chuyển kiến nghị này lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét).

Trường hợp, hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu có nhu cầu, đủ điều kiện và khả năng nguồn vốn được phân bổ cho địa phương thì có thể tiếp tục được vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm và không cần phải trả hết số nợ đã vay chương trình cho vay đối với hộ nghèo hoặc chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo.

7. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì đại biểu HĐND được tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT. Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) không quy định đại biểu HĐND các cấp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (quy định tại khoản 1 Điều 2).

Vì vậy, nếu cá nhân có nguyện vọng thì tham gia BHXH tự nguyện quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014.

8. Đề nghị điều chỉnh phí dịch vụ Khoa điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện đa khoa tỉnh cho phù hợp với mức sống của người dân.

Thực hiện Quyết định số 526/QĐ-UBND ngày 25/5/2007 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Đề án triển khai khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum; Bệnh viện đã sửa chữa, cải tạo, nâng cấp khoa Nội trung cao cũ thành khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu với quy mô 36 giường bệnh, đưa vào hoạt động phục vụ bệnh nhân từ năm 2008. Từ cuối năm 2017 đến nay, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu chuyển sang khu nhà 6 tầng mới xây của Bệnh viện. Từ khi đi vào hoạt động, Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh luôn đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh, chất lượng khám chữa bệnh không ngừng nâng cao.

Tính theo mặt bằng chung, giá thu khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh thấp hơn so với các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc.

Khi bệnh nhân có yêu cầu nằm điều trị tại Khoa KCBYC, Bệnh viện đa khoa tỉnh đều công khai mọi khoản chi phí điều trị tại khoa. Người bệnh và thân nhân người bệnh tham khảo giá dịch vụ và tự quyết định.

9. Đề nghị làm rõ thẩm quyền và tăng cường xử lý các hành vi vi phạm giao thông trên các tuyến quốc lộ đoạn qua trung tâm các huyện, thành phố.

Về công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn trung tâm các huyện: Xác định đây là địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đã thường xuyên bố trí các tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát giao thông đẩy mạnh hoạt động tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kết hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tham gia giao thông; bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông tỉnh cũng thường xuyên bố trí lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an các huyện tiến hành tuần tra kiểm soát, trong đó tập trung xử lý các hành vi vi phạm của người điều khiển mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, hiện nay biên chế lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ còn ít phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác; nhận thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, do đó thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Về thẩm quyền xử lý quy phạm giao thông trên các tuyến quốc lộ đoạn qua trung tâm các huyện, thành phố: Căn cứ quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an; Công an tỉnh đã phân công trách nhiệm, phân cấp tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

- Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ (kể cả đoạn đi qua thành phố, thị trấn) thuộc địa giới hành chính của tỉnh.

- Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường (trừ quốc lộ), bao gồm: Đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương; tổ chức chỉ huy, hướng dẫn giao thông ở các giao lộ có đèn tín hiệu trên địa bàn quản lý.

- Về quan hệ phối hợp: Mỗi tuyến, địa bàn có đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả. Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua thành phố, thị trấn và các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) chủ trì, bố trí lực lượng phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an các huyện, thành phố tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

10. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xem xét, tạo điều kiện để Nhân dân có xe công nông, máy kéo, xe kubota được làm thủ tục đăng ký giấy tờ xe tại huyện, không phải đưa xe về tỉnh để làm thủ tục như hiện nay.

Theo quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 và Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an, chủ xe phải đưa phương tiện đến Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) để kiểm tra thực tế khi làm thủ tục đăng ký phương tiện theo quy định.

Để tạo sự thuận lợi cho người dân trong đăng ký các phương tiện như phản ánh, Công an tỉnh đề nghị Chủ phương tiện phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định tại mục A chương II Thông tư số 15/2014/TT-BCA 04/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an, mang đến Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) để làm thủ tục cấp Giấy đăng ký và biển số xe; Công an tỉnh sẽ cử cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đến Công an huyện (địa điểm tập trung xe) để kiểm tra thực tế xe./.

Tấn Danh  
Bài viết trước:
Icon  Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu và thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Tờ trình, Đề án, Báo cáo do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI
Icon  Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018
Icon  Khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI
Icon  Tổ Hỗ trợ thủ tục đầu tư được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trình UBND tỉnh.
Icon  Kiện toàn Tổ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Icon  Thành lập Tổ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước
Icon  Ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước tại Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum
Icon  Thành lập Ban quản lý dự án nâng cấp Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Icon  Thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức tại Văn phòng UBND tỉnh năm 2018
Icon  Triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa lĩnh vực Thi đua - Khen thưởng tại Văn phòng UBND tỉnh.
Thông báo

Best Replica Watches audemars piguet replica

Trang chủ        |      Đăng nhập      
 © TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
    Chịu trách nhiệm:  Nguyễn Đăng Trình; Chức vụ: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. 
    Địa chỉ: 492 Trần Phú, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Email: vpubnd@kontum.gov.vn;vanthu-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02603862320
    Bản quyền thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum
Chung nhan Tin Nhiem Mang