Đăng nhập
Thứ 7, ngày 27 tháng 4 năm 2024 TimKiem
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
NguoiTruyCapTổng số người truy cập:
9972112
HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu và thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Tờ trình, Đề án, Báo cáo do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI
7/11/2018 11:12:38 AM     
Sáng ngày 11/7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021; thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm trình bày trước HĐND tỉnh Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu và thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Tờ trình, Đề án, Báo cáo do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6.
Tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của các Tổ đại biểu và thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh về các Tờ trình, Đề án, Báo cáo do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI
Đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Báo cáo tại kỳ họp.

Qua nghiên cứu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau qua thảo luận của các Tổ và thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đối với các nội dung trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI; UBND tỉnh tiếp thu, giải trình làm rõ như sau:

NHỮNG VẤN ĐỀ UBND TỈNH BÁO CÁO LÀM RÕ VÀ ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG ĐÃ TRÌNH

1. Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016 - 2020 (Báo cáo số 126/BC-UBND ngày 08/6/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chậm 03 xã so với mục tiêu Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025). Theo số liệu đến 30/5/2018, đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ có 03 xã đạt 16 tiêu chí, 03 xã đạt 14 tiêu chí và 67 xã còn lại đạt từ 3-13 tiêu chí. Việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 khó khả thi, đề nghị UBND tỉnh xem xét, đánh giá lại và tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương nổ lực, cố gắng, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Đề án.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Đây là chỉ tiêu hết sức quan trọng, đã được Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh thông qua và HĐND tỉnh quyết nghị. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành cần ưu tiên tập trung hỗ trợ các xã mục tiêu xây dựng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới thì dự kiến đến cuối năm 2018 có thêm khoảng 6/8 xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Ngay sau kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XI, UBND tỉnh tổ chức làm việc với các địa phương để bàn các biện pháp khả thi, hữu hiệu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động các nguồn lực nhằm phấn đấu hoàn thành đạt ở mức cao nhất chỉ tiêu này. Trong đó tập trung một số giải pháp sau: Chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh phụ trách các xã điểm bám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các xã triển khai xây dựng các tiêu chí nông thôn mới; phân công cụ thể từng Sở, ban ngành chuyên môn tập trung hướng dẫn các xã xây dựng các tiêu chí chưa đạt và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo sự phân công; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ưu tiên bố trí nguồn vốn của ngân sách cấp mình (ngoài nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh hỗ trợ) và huy động nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư cho các xã mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Về chỉ tiêu dân số, theo số liệu thống kê, dân số từ năm 2015 (496 ngàn người) đến ước năm 2018 (533 ngàn người), bình quân hằng năm dân số của tỉnh tăng gần 13 ngàn người, như vậy tính đến năm 2020 thì dân số đạt gần 560 ngàn người (kế hoạch là 580 ngàn người). Đề nghị UBND tỉnh làm rõ việc dự kiến đến năm 2020 chỉ tiêu này sẽ đạt kế hoạch.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Mặc dù trong 3 năm qua dân số tăng bình quân hằng năm khoảng 13 ngàn người/năm và theo ý kiến của Ban Kinh tế - Ngân sách, với tốc độ tăng như trên thì đến năm 2020 dân số khoảng 560 nghìn người. Tuy nhiên, UBND tỉnh ước đến năm 2020 đạt khoảng 580 nghìn người là có cơ sở.

Hiện nay, tỉnh đã kêu gọi được một số Tập đoàn, doanh nghiệp tiềm năng khảo sát và có khả năng triển khai đầu tư một số dự án lớn, như: Dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco Kon Tum - Măng Đen; Dự án Đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông; Dự án Quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao; Dự án cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao Nam Kon Tum… Khi các dự án nêu trên được thực hiện sẽ thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp phụ trợ, các loại hình dịch vụ… do đó sẽ thu hút được lực lượng lớn lao động (trong đó có lao động ngoài tỉnh) đến làm việc tại các dự án này.

Bên cạnh đó, gần 40.000 ha cao su tại huyện Ia H’Drai và huyện Sa Thầy đang đến mùa khai thác mủ, cần một lực lượng lao động rất lớn mà trong tỉnh không thể đáp ứng được. Do đó, thu hút lao động, di dân từ bên ngoài đến khu vực này là khách quan, góp phần tăng dân số của tỉnh.

Từ những lý do trên, việc dự báo đến năm 2020 dân số trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 580 nghìn người là có cơ sở.

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh làm rõ cơ sở xác định tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường ước đến năm 2020 đạt 80%, vì từ năm 2015, 2016, 2017 và ước 2018 tỷ lệ này là 70%.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2013, thì tất cả các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường và thực hiện các thủ tục có liên quan về môi trường mới được phép đi vào hoạt động. Như vậy, các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh mới đều đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số nhà máy sản xuất cũ, đã được UBND tỉnh cho lộ trình xử lý nước thải đạt loại A đến năm 2020. Như vậy, đến năm 2020 về nguyên tắc thì tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn môi trường là 100%. 

Tuy nhiên, đối với các cơ sở hoạt động công ích như bãi rác các huyện, bệnh viện các huyện,... chưa có kinh phí để đầu tư. Loại hình này chiếm khoảng 25% /100%. Căn cứ yêu cầu của cơ quan quản lý và nguồn vốn được bố trí để xử lý môi trường cho đối tượng này từ nay đến năm 2020 để giải quyết khoảng 5%. Như vậy còn khoảng 20% là chưa có nguồn vốn để thực hiện. Do đó, đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường đạt 80% là có cơ sở.

2. Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương cho các cấp ngân sách ở địa phương (Tờ trình số 40/TTr-UBND ngày 17/4/2018 của UBND tỉnh)

- Tổ đại biểu huyện Đăk Hà: Tại trang 5 (mục 3), trong 8 nhóm nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã, đề nghị xác định cụ thể hơn đối với nhóm nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường cấp xã. Vì 7 nhiệm vụ còn lại đã bao quát đầy đủ nhiệm vụ hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường cấp xã, đề cập như vậy rất rộng, khó cho cấp xã thực hiện. Cần chi tiết hơn, ví dụ hợp đồng người làm công tác bảo vệ môi trường v.v…

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Tại điểm s mục 2 Điều 4 Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nêu rõ: các hoạt động bảo vệ môi trường khác thuộc trách nhiệm của ngân sách địa phương.

Theo đó, để tránh điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết HĐND tỉnh nhiều lần; đồng thời để tăng tính chủ động của ngân sách cấp xã khi phát sinh các hoạt động bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của cấp xã nhưng chưa lượng hóa được tất cả các nhiệm vụ, tình huống phát sinh cụ thể trong thực tiễn và theo phân cấp hiện hành, nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã được dự thảo “có mục hoạt động bảo vệ môi trường khác” là phù hợp. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cụ thể.

3. Đối với dự thảo Nghị quyết Quy định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Tờ trình số 60/TTr-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh)

- Tổ đại biểu huyện Kon Rẫy: Ở khoản 2 Điều 2 ghi: Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương đảm bảo được bố trí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành. Đề nghị xác định rõ ngân sách địa phương là ngân sách của tỉnh, huyện hay của xã đảm bảo và mỗi cấp là bao nhiêu % để thực hiện?

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Tại khoản 2 Điều 6 Luật Ngân sách nhà nước nêu rõ: Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã).

Nghị quyết số 67/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh quy định hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp xã; dự toán chi cân đối ngân sách huyện (bao gồm ngân sách xã) đã được UBND tỉnh giao ổn định (giai đoạn 2017-2020), trong đó đã bao gồm kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã với mức quy định cũ là 2 triệu/xã (tại Thông tư liên tịch số 40/2006/TTLT/BTC-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN, ngày 12/5/2016). Theo quy định tại Thông tư 63/2017/TT- BTC, mức chi được nâng lên 5 triệu/xã, nhu cầu kinh phí tăng thêm 01 năm trên địa bàn 10 huyện, thành phố không lớn (102 xã, phường x 3 triệu đồng/xã = 306 triệu đồng). Do vậy, theo phân cấp ngân sách nêu trên, hằng năm ngân sách cấp huyện cân đối giao dự toán cho ngân sách cấp xã kinh phí đảm bảo hoạt động thanh tra nhân dân cấp xã theo mức chi HĐND tỉnh quy định.

Theo đó, dự thảo nguồn kinh phí thực hiện tại điểm 2 Điều 2 Nghị quyết là phù hợp.

4. Báo cáo số thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 (Báo cáo số số 111/BC-UBND ngày 23/5/2018 của UBND tỉnh)

- Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi: Tại trang 6, đề nghị bổ sung số liệu hoặc căn cứ để đánh giá “Ngành Y tế đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ngân sách từ khâu lập, phân bổ dự toán đến chấp hành và quyết toán ngân sách theo đúng quy định của pháp luật”.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Công tác lập, phân bổ dự toán ngân sách địa phương nói chung và ngành Y tế nói riêng được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương. Trên cơ sở tổng dự toán kinh phí được UBND tỉnh giao, theo phân cấp quản lý, Sở Y tế xây dựng phương án phân bổ cho các đơn vị trực thuộc theo hướng chi khám chữa bệnh phân bổ theo giường bệnh; chi bộ máy phòng bệnh phân bổ theo định mức biên chế; các nhiệm vụ không thường xuyên phân bổ dự toán theo khối lượng công việc, chế độ, định mức Nhà nước quy định hiện hành; công tác phân bổ ngân sách hằng năm được Sở Y tế lấy ý kiến công khai trong các đơn vị trực thuộc ngành. Toàn bộ nguồn ngân sách cấp cho ngành Y tế đều được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi và đơn vị tổng hợp báo cáo quyết toán theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Báo cáo công tác của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 (Báo cáo số 119/BC-UBND ngày 30/5/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp cụ thể đối với một số nội dung:

a) Việc chỉ đạo triển khai Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025 tỉnh Kon Tum chưa được đề cập.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Thực hiện Kết luận số 366-KL/TU ngày 17/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn" thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020 và thành lập Ban Tổ chức thực hiện Kế hoạch và đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả cao nhất, đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Năm 2018, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch. Quán triệt cho UBND cấp xã phát huy vai trò tích cực, chủ động nghiên cứu các mô hình dồn đổi, tích tụ đất đai để tổ chức thực hiện hiệu quả; tuyên truyền vận động nông dân “dồn điền đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện tham gia của người dân.

Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chuẩn bị giám sát “việc tổ chức triển khai Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 30/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh” và Chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng Cánh đồng lớn thực hiện phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Kết luận 366-KL/TU ngày 17/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”. Khi có kết quả giám sát, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai Kế hoạch gắn với khắc phục hạn chế, thiếu sót (nếu có)

b) Về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đáng quan tâm; tuy nhiên, còn nhiều huyện, thành phố chưa có khu giết mổ tập trung

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Việc bố trí ngân sách cho đầu tư lò giết mổ tập trung là nhiệm vụ của cấp huyện, thành phố, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh đã có nhiều kết luận về vấn đề này nhưng đến nay chưa thật sự chuyển biến tốt. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra và xử lý cụ thể.

6. Dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị”. (Tờ trình số 63/TTr-UBND ngày 31/5/2018 của UBND tỉnh)

- Tổ đại biểu Ngọc Hồi:

+ Tại điểm b khoản 1 Điều 2: Đối với chi hỗ trợ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 xã biên giới (Ia Tơi, Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Dục, Sa Loong) đang thực hiện Quyết định 900/2017/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, các xã này không thuộc Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Xét thấy việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở các xã biên giới là rất quan trọng, mặt khác điều kiện kinh tế - xã hội của các xã này không có sự chênh lệch nhiều đối với các xã đặc biệt khó khăn, đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các xã này bằng với các xã theo Quyết định 582/2017/QĐ-TTg.

+ Để tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện khi Nghị quyết, đề nghị bỏ câu “Đối với các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ” (tại điểm b khoản 1 Điều 2) và câu “Đối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ” (tại điểm c khoản 2 Điều 2) vì còn chung chung; mà cần xác định cụ thể văn bản nào được áp dụng để xác định đối tượng thụ hưởng của Nghị quyết.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Tại điểm b khoản 10 và điểm c khoản 11 Điều 4 Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” quy định: Đối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020 (và cập nhật theo quy định hiện hành nếu có). Theo đó, dự thảo Nghị quyết về địa bàn khu dân cư, xã thuộc vùng khó khăn theo đúng quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính, nên đề nghị giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.

Đối với xã thuộc vùng khó khăn, xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: (1) Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; (2) Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Sở Tài chính đã có văn bản số 84/STC-QLNS ngày 09/01/2018 gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn cụ thể. Sau khi có ý kiến trả lời của Bộ Tài chính, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện theo quy định.

7. Dự thảo Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ và phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (Tờ trình số 81/TTr-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị giải trình: Việc bổ sung thêm 01 tiêu chí hệ số ưu tiên về đối tượng xã (các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 được cộng thêm hệ số 0,1) ngoài 03 tiêu chí hệ số so với quy định tại Điều 4 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Tại Điều 4 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định hệ số ưu tiên theo đối tượng xã đặc biệt khó khăn, xã từ 15 tiêu chí trở lên và các xã còn lại. Tuy nhiên, tại gạch đầu dòng thứ nhất, điểm a mục 2 Điều 5 của Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Căn cứ vào mục tiêu phấn đấu thực hiện CTMTQG xây dựng NTM đến năm 2020 và điều kiện thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ cho các xã đảm bảo tổng mức vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho các xã trong cả giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng các nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ được quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tại điểm a, b, mục 3 Điều 3 của Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg quy định như sau: Ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; xã nghèo thuộc huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng như các huyện nghèo; tập trung đầu tư cho các xã mới đạt dưới 05 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM… Như vậy, Điều 4 là tiêu chí để Trung ương phân bổ vốn cho các địa phương; còn phương án phân bổ kế hoạch vốn được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương là do HĐND tỉnh quyết định theo các nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ được quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg.

Theo Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh về Đề án xây dựng NTM tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn xã NTM. Tính đến thời điểm cuối năm 2015, ngoài 09 xã đã đạt chuẩn NTM, toàn tỉnh chỉ có 01 xã đạt trên 15 tiêu chí, 03 xã đạt 15 tiêu chí, các xã còn lại số tiêu chí đạt được rất thấp. Bên cạnh đó các xã đạt 15 tiêu chí, trên 15 tiêu chí nói trên và các xã lựa chọn phấn đấu thực hiện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đa số không thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ theo quy định nêu trên hoặc được hưởng rất ít chính sách hỗ trợ hiện hành từ Trung ương, như vậy, mục tiêu xây dựng 25 xã điểm đạt chuẩn xã NTM đến năm 2020 yêu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn. Để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đề ra, tranh thủ nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương trong khi ngân sách địa phương còn rất khó khăn, tạo động lực cho các xã phấn đấu về đích, việc quy định ưu tiên bố trí kinh phí cho các xã phấn đấu đạt chuẩn xã NTM giai đoạn 2016 – 2020 là phù hợp, góp phần thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh đã đề ra.

Từ những phân tích trên, việc đề xuất thêm 01 tiêu chí: “Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 được cộng thêm hệ số 1,0” là phù hợp với quy định hiện hành của Trung ương và thực tế tại địa phương.

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị giải trình: Làm rõ kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi giai đoạn 2011 - 2015 là do ngân sách Trung ương thưởng địa phương hay lấy từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Tại ghi chú số 1 Phụ lục II kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ có quy định đối với nguồn ngân sách Trung ương: “Đã bao gồm vốn ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Chương trình trong kế hoạch năm 2016 và năm 2017”. Ngoài ra, qua trao đổi với bộ phận nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Điều phối CTMTQG Xây dựng NTM Trung ương thì kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi giai đoạn 2011 - 2015 được lấy từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Do vậy, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Chương trình trong kế hoạch năm 2017 đã bao gồm nguồn kinh phí khen thưởng công trình phúc lợi giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, UBND tỉnh sẽ có văn bản hỏi để các cơ quan Trung ương trả lời chính thức.

8. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05/8/2011 của HĐND tỉnh về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 (Tờ trình số 48/TTr-UBND ngày 11/5/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị:  Phân tích tính hợp lý, khả thi về mục tiêu phát triển diện tích trồng sắn phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đề ra trong dự thảo Nghị quyết;

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05/8/2011 của HĐND tỉnh đặt chỉ tiêu đến năm 2015 hạn chế diện tích trồng sắn toàn tỉnh 25.000 ha và đến năm 2020 giảm xuống còn 20.000 ha. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn 2011 - 2015, diện tích trồng sắn đã tăng từ 37.190 ha lên 39.486 ha và duy trì trên 39.100 ha vào năm 2016 (nguồn niên giám thống kê 2016). Đến năm 2017, diện tích sắn vẫn duy trì ở mức 38.364 ha (Báo cáo 251/BC-UBND tỉnh ngày 22/11/2017 của UBND tỉnh). Diện tích tăng nhanh chủ yếu do nhu cầu về sắn tăng([1]), trong khi sản xuất vẫn theo hình thức quảng canh đã dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng sắn mới.

Hiện nay, tổng công suất các nhà máy chế biến tinh bột sắn đến năm 2020 của toàn tỉnh dự kiến trên 1.430 tấn tinh bột/ngày thì tổng sản lượng sắn toàn tỉnh hiện cũng chỉ đáp ứng đủ cho khoảng 5 - 6 tháng hoạt động của các nhà máy. Việc định hướng điều chỉnh chỉ tiêu về diện tích trồng sắn khoảng 35.700 ha vào năm 2020 được xác định dựa trên ước tính phần diện tích trồng sắn ổn định nhất (ít biến động nhất –  đạt mức tối thiểu theo yêu cầu của thị trường) của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2008 - 2016 là khoảng 35.700 ha.

Do vậy, việc định hướng mục tiêu về diện tích trồng sắn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đề ra trong dự thảo Nghị quyết là phù hợp và khả thi.

9. Dự thảo Nghị quyết về Đề án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Tờ trình số 77/TTr-UBND ngày 22/6/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị: Đánh giá hiệu quả đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; thống kê diện tích trồng sâm Ngọc Linh của các hộ gia đình tại huyện Tu Mơ Rông. Trên cơ sở xác định diện tích, số hộ gia đình có nhu cầu được hỗ trợ giống Sâm Ngọc Linh để chính sách hỗ trợ thực sự có hiệu quả.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2004-2014 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô triển khai thực hiện (thông qua Trung tâm sâm Ngọc Linh) từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trước đây với mục tiêu chủ yếu là bảo tồn nguồn gen cây sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng, đến nay đã bảo tồn và phát triển được 13,23 ha sâm Ngọc Linh. Đến năm 2015, Công ty được tỉnh cho chủ trương lập thủ tục đầu tư cơ sở chế biến sâm Ngọc Linh và hiện đang bước đầu sản xuất thử nghiệm các sản phẩm, dự kiến trong năm 2018 sẽ có sản phẩm đầu tiên.

Về thống kê diện tích trồng Sâm Ngọc Linh của các hộ gia đình đã được UBND tỉnh đã chỉ đạo từ năm 2017. Tuy nhiên, vì sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao và quý hiếm nên nhiều người dân không phối hợp cung cấp thông tin để chính quyền địa phương thống kê diện tích trồng sâm.

Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, diện tích sâm Ngọc Linh đến năm 2017 của các hộ gia đình khoảng 12,62 ha (Đăk Glei 0,3 ha; Tu Mơ Rông 12,32 ha chủ yếu là liên kết với doanh nghiệp). Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân đăng ký kê khai diện tích sâm hiện có để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh và chứng nhận nhãn hiệu Ngọc Linh Kon Tum; đồng thời vận động người dân đăng ký diện tích trồng mới để được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh theo Đề án.

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị:  Chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình trồng Sâm Ngọc Linh chưa rõ ràng, cụ thể, nhất là việc liên kết với các nhà đầu tư chưa thể hiện trong dự thảo Đề án. Chưa quy định chính sách hỗ trợ đối với hộ gia đình có diện tích riêng lẻ, không tập trung khó có thể liên kết.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Nội dung xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu đã được nêu cụ thể trong phần giải pháp thực hiện của Dự thảo Nghị quyết và Đề án. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để các Nhà đầu tư sản xuất giống cung cấp cho hộ gia đình, cá nhân tham gia chuỗi liên kết để trồng và phát triển Sâm Ngọc Linh.

Về chính sách hỗ trợ phát triển sâm Ngọc Linh, không đặt vấn đề hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình vì chi phí đầu tư giống sâm Ngọc Linh rất lớn (chi phí đầu tư giống trồng 01 ha sâm Ngọc Linh khoảng 8 tỷ đồng), ngân sách Nhà nước không đảm bảo để thực hiện chính sách. Do vậy UBND tỉnh đề xuất hỗ trợ trực tiếp chi phí sản xuất giống cho nhà đầu tư để liên kết với người dân trồng sâm Ngọc Linh.

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị:  Đề nghị quy định mức hỗ trợ giống sản xuất dược liệu cho phù hợp với Điều 5, Chương II Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ; Quy định thêm phần hỗ trợ chi phí tập huấn cho hộ gia đình trồng sâm; Xây dựng chính sách bảo hộ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 5, Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách: Hỗ trợ 01 lần 50% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ 01 lần 60% chi phí sản xuất giống gốc, 30% chi phí sản xuất giống thương phẩm.

Do đặc thù của sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, chi phí đầu tư cây giống rất lớn như đã nêu trên, do vậy nếu quy định mức hỗ trợ như Nghị định số 65/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì ngân sách địa phương không đảm nguồn để thực hiện chính sách. Đối với nội dung tập huấn cho hộ gia đình trồng sâm, nội dung này sẽ do Nhà đầu tư có liên kết với hộ gia đình trồng sâm thực hiện và các địa phương cùng tham gia từ nguồn kinh phí khuyến nông hằng năm.

Về chính sách bảo hộ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh, hiện nay sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ. UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh để đăng ký bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy đề nghị không ban hành thêm chính sách bảo hộ thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh.

10. Dự thảo Nghị quyết Quy định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 (Tờ trình số 76/TTr-UBND ngày 22/6/2018 của UBND tỉnh)

- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị: Rà soát, thống kê số lượng Nhà văn hóa thôn (nhà rông, nhà xây) chưa được xây dựng mới trên địa bàn toàn tỉnh; giải trình thêm về việc điều chỉnh mức hỗ trợ xây dựng mới Nhà văn hóa thôn đối với nhà xây từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 82 thôn chưa được xây dựng mới nhà văn hóa và 90 thôn, làng chưa được xây dựng mới nhà rông.

Qua khảo sát thực tế tại mốt số địa phương (Đăk Tô, Đăk Hà), chi phí xây dựng 01 nhà văn hóa đạt chuẩn theo dự toán mẫu bình quân từ 400 - 450 triệu đồng. Nếu quy định mức hỗ trợ 50 triệu đồng như trước đây thì nguồn kinh phí còn lại phải huy động đóng góp của người dân khá lớn (từ 350 - 400 triệu đồng). Cũng qua khảo sát thực tế tại thành phố Kon Tum, nếu giao khoán toàn bộ cho người dân tự tổ chức thực hiện thì tổng chi phí xây dựng nhà văn hóa thôn chỉ từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/nhà. Từ thực tế nêu trên và trên cơ sở kiến nghị của một số địa phương, UBND tỉnh đề xuất nâng mức hỗ trợ xây dựng mới Nhà văn hóa thôn đối với nhà xây từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

11. Dự thảo Nghị quyết về việc giao biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum năm 2018 (Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 07/6/2018).

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Về biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập: Theo quy định hiện hành, Giám đốc Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh; Trưởng phòng công chứng, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp... là công chức. Như vậy, biên chế công chức các chức danh này phải do HĐND tỉnh quyết định từ nguồn nào?

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Hiện nay, không có quy định của Trung ương về nguồn biên chế để bố trí cho các chức danh là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (vị trí được xác định là công chức­) và tỉnh cũng chưa được giao biên chế để bố trí cho người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, từ trước đến nay khi người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập được điều động, chuyển về các đơn vị hành chính theo nhu cầu công tác cán bộ đều được UBND tỉnh thực hiện đảm bảo nguyên tắc đơn vị hành chính được điều động đến phải còn biên chế công chức chưa sử dụng. Để giải quyết nội dung này, trong Kế hoạch biên chế công chức năm 2019 sắp tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương xem xét thẩm định bổ sung biên chế công chức cho tỉnh để có nguồn bố trí cho các vị trí này, hoặc có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện.

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Về chính sách tinh giảm biên chế đến năm 2021 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ: Ban pháp chế nhận thấy: tổng biên chế công chức tỉnh Kon Tum năm 2015 là 2.168 chỉ tiêu, đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% so với năm 2015; như vậy biên chế công chức của tỉnh Kon Tum đến năm 2021 còn khoảng 1.951 chỉ tiêu. Hiện tại, Bộ Nội vụ giao cho tỉnh Kon Tum là 2.087 biên chế; theo đó từ nay đến năm 2021 phải cắt giảm là 136 chỉ tiêu (2087 – 1951 = 136). Nếu trừ 46 chỉ tiêu biên chế dự phòng (theo Tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND tại kỳ họp thứ 6) thì đến năm 2021 sẽ tiếp tục cắt giảm 90 biên chế. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguồn biên chế phải cắt giảm của từng cơ quan, đơn vị trong thời gian tới.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Theo yêu cầu cắt giảm 10% của Bộ Nội vụ, thì tổng số biên chế phải cắt giảm của tỉnh đến 2021 là 217 biên chế. Đến nay, Bộ Nội vụ đã  cắt giảm 81 chỉ tiêu biên chế so với số biên chế công chức được giao của tỉnh năm 2015 (2.168-2.087=81). Theo đó, từ nay đến năm 2021, dự kiến Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục cắt giảm 136 chỉ tiêu (217-81=136); nếu được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua phương án giao biên chế công chức năm 2018 thì tỉnh sẽ còn 46 biên chế công chức dự phòng. Như vậy đến năm 2021 sẽ còn 90 biên chế tiếp tục cắt giảm. dự kiến, 90 biên chế này sẽ lấy từ các nguồn sau:

- Tiếp tục cắt giảm 25 biên chế từ các đơn vị theo thẩm định đã bố trí đủ hoặc chỉ thiếu từ 02 biên chế trở xuống so với vị trí việc làm.

+ 10 đơn vị theo thẩm định hiện nay đã bố trí đủ sẽ cắt 02 chỉ tiêu gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Ngoại vụ. Tổng biên chế sẽ cắt giảm là 20 chỉ tiêu.

+ 05 đơn vị theo thẩm định hiện nay thiếu từ 02 chỉ tiêu trở xuống sẽ tiếp tục cắt giảm 01 chỉ tiêu năm 2020, gồm: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Dân tộc; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng. Tổng biên chế sẽ cắt giảm là 05 chỉ tiêu.

+ Các đơn vị, địa phương còn lại yêu cầu giữ ổn định số biên chế được giao năm 2018. Không đề xuất tăng thêm, bổ sung biên chế đến hết năm 2021.

- Hiện nay, UBND tỉnh đã trình Bộ Nội vụ xem xét giao cho tỉnh 130 chỉ tiêu nhu cầu hợp đồng lao động theo Nghị định 68 (từ trước đến nay, chỉ riêng tỉnh Kon Tum chưa được giao chỉ tiêu này và theo tìm hiểu thì các địa phương khác đều được giao từ 100-300 chỉ tiêu này). Nếu được Bộ Nội vụ thống nhất thì UBND tỉnh sẽ giao chỉ tiêu 68 cho các đơn vị và rút các chỉ tiêu biên chế công chức các đơn vị hiện đang sử dụng để bố trí cho các trường hợp được xác đinh là hợp đồng 68 (chủ yếu để hợp đồng lái xe). Dự kiến rút về dự phòng được từ 18 chỉ tiêu từ nguồn này.

- Số biên chế dự kiến thiếu còn lại (47 biên chế), UBND tỉnh sẽ lấy từ nguồn dôi dư do sáp nhập các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết 18 trong thời gian tới; trường hợp vẫn còn thiếu sẽ cân nhắc tiếp tục lấy từ nguồn tinh giản biên chế, nghỉ hưu đúng tuổi và thôi việc của một số cơ quan, đơn vị từ nay đến năm 2021.

12. Dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt tổng số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Kon Tum năm 2018 (Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày 05/6/2018)

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Về điều chỉnh số lượng người làm việc giữa các cơ quan, đơn vị, với số lượng biên chế sự nghiệp của tỉnh như hiện nay còn hết sức khó khăn, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp y tế. Từ năm 2012 đến nay Bộ Nội vụ không giao tăng thêm mà cắt giảm 429 chỉ tiêu. Do đó, việc xem xét điều chỉnh biên chế giữa các đơn vị sự nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, Ban Pháp chế đề nghị nêu rõ về nhu cầu số lượng biên chế cần thiết cho các khối sự nghiệp (giáo dục, y tế, văn hóa thông tin và sự nghiệp khác), nêu rõ việc xây dựng đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp, số đơn vị đã thực hiện, chưa thực hiện, nguyên nhân chưa thực hiện (nếu có); việc tổ chức thẩm định số lượng người làm việc các cơ quan đơn vị, việc thừa thiếu biên chế giữa các khối sự nghiệp; các đơn vị cấp huyện,  cấp tỉnh như thế nào?  cơ sở đề nghị cắt giảm 32 chỉ tiêu sự nghiệp văn hóa thông tin để tăng 20 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo và tăng 12 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp khác?

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

- Về nhu cầu số lượng người làm việc theo vị trí việc làm của các lĩnh vực sự nghiệp: Đã tiếp thu và bổ sung phụ lục kèm theo.

- Về vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp: Hiện nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp. Căn cứ Nghị quyết 89/NQ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; dự kiến sẽ phê duyệt danh mục vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp trong tháng 7/2018.

- Về thẩm định số lượng người làm việc của các đơn vị: Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm của các đơn vị xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tiến hành thẩm định số lượng người làm việc theo vị trí việc làm của các đơn vị để làm cơ sở cho việc điều hòa biên chế giữa các lĩnh vực sự nghiệp. Việc thẩm định số lượng người làm việc được sự thống nhất cao của thủ trưởng các đơn vị. Trên cơ sở đó, đã đề nghị cắt giảm 32 chỉ tiêu sự nghiệp văn hóa thông tin để tăng 20 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo và tăng 12 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp khác.

13. Báo cáo kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI (Báo cáo số 101/BC-UBND ngày 11/5/2018)

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Các ý kiến, kiến nghị nhiều lần của cử tri liên quan đến đền bù, hỗ trợ khi làm đường dẫn đến nhà thấp hoặc hơn nhiều so với đường (ý kiến số 01, trang 30, BC 101/BC-UBND). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số hộ bị ảnh hưởng do nhà thấp hoặc cao hơn nền đường (không chỉ tại Quốc lộ 14, Quốc lộ 24 mà còn tại các tuyến đường khác) để có phương án đền bù, hỗ trợ bảo đảm tính đồng bộ, công bằng, hợp lý, phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương; trong trường hợp qua kiểm tra mà các đối tượng trên không thuộc phạm vi được hỗ trợ thì trả lời dứt điểm để cử tri biết và không tiếp tục kiến nghị.

* UBND tỉnh báo cáo như sau:

Liên quan đến việc thi công đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum là do thiết kế, thi công có hạ thấp, nâng cao một số đoạn dẫn đến phát sinh khiếu nại của người dân (nhà thấp hoặc cao hơn nền đường), nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 172/UBND-KTN ngày 21/01/2016 quy định rõ việc hỗ trợ, bồi thường đối với các trường hợp trên làm cơ sở triển khai thực hiện và kinh phí hỗ trợ chi trả do Bộ Giao thông vận tải (làm chủ đầu tư) đã được xác định trong Tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.

Riêng đối với các tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh (ngoài dự án Quốc lộ 14, Quốc lộ 24), do kinh phí địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế; do đó khi triển khai các dự án cơ bản bám theo nền đường hiện trạng, hạn chế việc đào đắp nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông và không làm ảnh hưởng lớn đến nhà thấp hoặc cao hơn nền đường (nhằm hạn chế tối đa việc đào đắp cục bộ gây khả năng sạt lở đất, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến nhà cao, thấp... nội dung này UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 171/VP-KTTH ngày 12/02/2014 của Văn phòng UBND tỉnh). Trong trường hợp, nếu có xảy ra tình trạng nhà thấp hoặc cao hơn nền đường quá quy định cho phép, UBND tỉnh sẽ có biện pháp chỉ đạo xử lý hỗ trợ, đền bù bảo đảm tính đồng bộ, công bằng, hợp lý và phù hợp với các quy định hiện hành.

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Cầu Đăk Cấm tại Km 29 + 860 Tỉnh lộ 671 (ý kiến số 13, trang 35, BC 101/BC-UBND). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị quản lý đoạn đường này đã lắp đặt hệ thống cọc tiêu, biển báo và sơn gồ giảm tốc đoạn đường hai đầu cầu để các chủ phương tiện biết, giảm tốc độ khi chuẩn bị vào cầu. Tuy nhiên, tại đây do cầu hẹp hơn so với mặt đường, cua gấp, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng làm lan can trên đoạn đường Tỉnh lộ 671 đi qua cầu Đăk Cấm để hạn chế tai nạn giao thông ở vị trí này.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cho khắc phục: Lắp đặt hệ thống cọc tiêu, biển báo và sơn gồ giảm tốc đoạn đường hai đầu cầu để các phương tiện biết, giảm tốc độ khi chuẩn bị vào cầu). Nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại đoạn đường trên, hiện nay Sở Giao thông vận tải đang lập thủ tục đầu tư để tiếp tục xây dựng tường hộ lan nối tiếp từ đường đến phạm vi lan can cầu (Sở Giao thông vận tải đã cam kết với đoàn giám sát HĐND tại buổi làm việc ngày 19/6/2018 và dự kiến trong tháng 8/2018 sẽ triển khai thi công).  

- Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Miễn, giảm học phí cho học sinh (ý kiến số 30, trang 42, BC 101/BC-UBND). Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đang lúng túng trong thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Cụ thể là: xác định đối tượng thụ hưởng theo “tiêu chí thu nhập” hay “tiêu chí thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản” đã được quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2015 – 2020. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn cụ thể để được hiểu và thực hiện thống nhất.

* UBND tỉnh báo cáo như sau: Ngày 31/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 71/NQ-CP về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều, trong đó Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp  với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà sóat đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo (trong đó có giáo dục nghề nghiệp). Tiếp thu ý kiến của Ban, sau khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể.

III. VỀ CÁC Ý KIẾN KHÁC

Tổ đại biểu huyện Đăk Hà và Ban Pháp chế HĐND tỉnh có ý kiến: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, khảo sát mô hình trường học mới (mô hình VNen) tại 45 trường (giảm 10 trường so với năm học 2016-2017) và tổ chức sơ kết, đánh giá mô hình này.

* Nội dung này UBND tỉnh báo cáo như sau: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát việc dạy học theo mô hình VNEN ở tất cả các trường thực hiện chương trình này và tại các phòng Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xin ý kiến của UBND các huyện, thành phố về việc dạy học theo mô hình VNEN năm học 2018 - 2019 và các năm tiếp theo. Trên cơ sở kết quả khảo sát toàn ngành, ý kiến của UBND các huyện, thành phố về việc triển khai dạy học theo mô hình VNEN ở từng huyện, thành phố; Sở Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo và đề xuất việc dạy học theo mô hình VNEN năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo. UBND tỉnh đã thống nhất đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ tiếp tục thực hiện dạy học theo mô hình VNEN đối với các khối lớp 3, lớp 4, lớp 5 của 11 trường trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.

UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 5 xem xét./.

 


([1]) Cây sắn là cây trồng gắn bó với nhiều hộ dân đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển gia tăng số lượng các nhà máy chế biến tinh bột sắn; chương trình xăng sinh học của Chính phủ vào năm 2012.

 

Trà Trí  
Bài viết trước:
Icon  Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018
Icon  Khai mạc Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI
Icon  Tổ Hỗ trợ thủ tục đầu tư được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp trình UBND tỉnh.
Icon  Kiện toàn Tổ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
Icon  Thành lập Tổ công tác bảo vệ bí mật Nhà nước
Icon  Ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật Nhà nước tại Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum
Icon  Thành lập Ban quản lý dự án nâng cấp Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum
Icon  Thành lập Hội đồng xét tuyển viên chức tại Văn phòng UBND tỉnh năm 2018
Icon  Triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa lĩnh vực Thi đua - Khen thưởng tại Văn phòng UBND tỉnh.
Icon  Ban hành Danh mục tài liệu nội bộ được bổ sung thuộc Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008
Thông báo

Best Replica Watches audemars piguet replica

Trang chủ        |      Đăng nhập      
 © TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
    Chịu trách nhiệm:  Nguyễn Đăng Trình; Chức vụ: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. 
    Địa chỉ: 492 Trần Phú, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Email: vpubnd@kontum.gov.vn;vanthu-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02603862320
    Bản quyền thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum
Chung nhan Tin Nhiem Mang