Đăng nhập
Thứ 6, ngày 26 tháng 4 năm 2024 TimKiem
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
NguoiTruyCapTổng số người truy cập:
9968734
VĂN BẢN CHUYÊN NGÀNH
CẤP BÁO ĐỘNG LŨ
9/28/2011 8:03:46 AM     
Trong các bản tin cảnh báo, dự báo mưa, bão, lũ, thời tiết nguy hiểm, cơ quan Khí tượng Thủy văn thường sử dụng các thuật ngữ chuyên môn về mưa, về lũ như mưa vừa, mưa to,.. báo động cấp I, báo động cấp II,... Để cán bộ và nhân dân hiểu rõ hơn các thuật ngữ nói trên trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai ở địa phương, xin giới thiệu những nội dung cơ bản nhất liên quan đến những thuật ngữ này.
CẤP BÁO ĐỘNG LŨ
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kon Tum

Kỳ 1:

CẤP BÁO ĐỘNG LŨ

VÀ VIỆC THỰC HIỆN PHÒNG CHỐNG LŨ THEO CẤP BÁO ĐỘNG LŨ

Cấp báo động lũ: Cấp báo động lũ là độ cao mực nước lũ quy định cho từng vị trí trên sông, suối. Mực nước ở mỗi cấp báo động lũ cho biết mức độ nguy hiểm của nước lũ trong sông, suối cũng như mức ngập lụt do nước lũ gây ra.

Theo quy định, có 3 cấp báo động lũ:

+ Báo động cấp I là mức giới hạn mực nước cho biết trên sông đã bắt đầu có lũ nhưng nước lũ còn ở giới hạn trong lòng sông - tương đương cấp lũ nhỏ.

+ Báo động cấp II là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội - tương đương lũ trung bình.

+ Báo động cấp III là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân - tương đương lũ lớn.

BẢNG MỰC NƯỚC ỨNG VỚI CÁC CẤP BÁO ĐỘNG LŨ TRÊN CÁC SÔNG Ở KON TUM

(theo Quyết định số: 632/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) 

TT

Tên sông

Tên trạm

Mực nước ở cấp báo động lũ (mét)

Cấp 1

Cấp 2

Cấp 3

1

Pô Kô

Đắk Mốt

584,50

585,50

586,50

2

Đắk Tơ Kan

Đắk Tô

577,00

578,00

579,00

3

Đắk Bla

KomPlong

592,00

593,00

594,00

4

Đắk Bla

Kon Tum

518,00

519,50

520,50

Phòng chống lũ theo cấp báo động:

 

Báo động cấp I: Khi lũ xuất hiện trên sông, nước sông dâng cao hơn bình thường và còn khả năng tiếp tục lên nhưng chưa tác động nhiều đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Công tác phòng chống lũ chủ yếu là theo dõi và chuẩn bị ứng phó đề phòng nước lũ tiếp tục lên cao.

Báo động cấp II: Nước lũ đã dâng cao từ 1,50 đến 3,00m so với khi chưa có lũ. Tình trạng ngập lụt bắt đầu lan rộng ra các vùng trũng thấp và có nhiều khả năng uy hiếp gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới các hoạt động sinh hoạt bình thường, nhất là sản xuất nông nghiệp, khai thác và chăn nuôi thủy sản, vv.  Dòng chảy lúc này không chỉ còn nằm trong lòng sông, suối mà sẽ tràn ra các bãi, gây ngập các bến bãi và các công trình tạm ven sông. Do vậy, lúc này chính quyền các địa phương cần đôn đốc nhắc nhở nhân dân khẩn trương di dời các công trình khai thác ở các bến bãi; các phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; các lều lán, công trình tạm phục vụ cho việc canh tác, trồng trọt, xây dựng ở các bãi sông đến nơi an toàn. Hạn chế việc ra sông đánh bắt thủy sản, vớt gỗ, củi và các vật dụng trôi trên sông. Các chuyến đò (nếu có) chỉ được phép hoạt động chở khách sang sông khi thật sự cần thiết và phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện bảo hộ an toàn. Khi đã thông báo lũ có khả năng lên mức báo động 2 thì các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân cần gấp rút triển khai nhân lực và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng đối phó nếu nước lũ tiếp tục dâng cao.

Báo động III: Nước lũ đã dâng cao, gây ngập sâu ở khu sản xuất và vùng dân cư từ 0,50m đến 3,00m, có nơi ngập sâu trên 3,00m. Tình trạng ngập lụt đã trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ đe đọa đến các công trình phòng lũ, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các công trình cơ sở hạ tầng như cầu, cống, đường giao thông, trường, trạm,.…Mực nước sông dâng cao làm ách tắc giao thông, đi lại của nhân dân, ngập lụt lan rộng trên những cánh đồng canh tác và các khu dân cư gây tác động xấu đến hoạt động sản xuất; đời sống sinh hoạt bắt đầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lũ có thể gây thiệt hại lớn tới tính mạng và tài sản của nhân dân nếu không có biện pháp tránh, chống lũ kịp thời, hiệu quả. Lúc này các địa phương cần tập trung cho công tác phòng chống lũ lụt. Khẩn trương di dời người và tài sản của các gia đình nằm trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn. Tuyệt đối cấm ra sông dưới mọi hình thức (trừ cơ quan chuyên môn ra đo đạc lưu lượng dòng chảy). Tạm thời đình chỉ giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt sâu; cho học sinh nghỉ học nếu trường nằm trong vùng ngập hoặc phải đi qua vùng ngập để đến trường. Các địa phương cần bố trí lán trại tạm cho nhân dân tránh lũ, bố trí các điểm y tế và cấp phát lương thực di động để hỗ trợ nhân dân trong những ngày tránh lũ. Ngoài ra cũng cần có kế hoạch dự phòng và chủ động đề nghị hỗ trợ từ các địa phương khác trong trường hợp nước lũ có thể dâng cao hơn và thời gian ngập lụt kéo dài. Lưu ý đến các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình, nhất là đối với các hồ chứa, bởi khi bị nước lũ uy hiếp thì sự an toàn của công trình còn liên quan đến nhiều các công trình dân sinh kinh tế khác và cả tính mạng của người dân ở phía hạ lưu.

(Kỳ 2: Các thuật ngữ sử dụng trong dự báo mưa)

 

Nguyễn Huy - TT Khí tượng Thủy văn Kon Tum  
Bài viết trước:
Icon  Chỉ số PAPI của tỉnh Kon Tum năm 2010
Icon  Bảng giá đất
Icon  Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Icon  Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 25/4/2005 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
Icon  Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.
Icon  Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2011 của Chính phủ về Kiểm soát thủ tục hành chính
Thông báo

Best Replica Watches audemars piguet replica

Trang chủ        |      Đăng nhập      
 © TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
    Chịu trách nhiệm:  Nguyễn Đăng Trình; Chức vụ: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. 
    Địa chỉ: 492 Trần Phú, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Email: vpubnd@kontum.gov.vn;vanthu-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02603862320
    Bản quyền thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum
Chung nhan Tin Nhiem Mang